Ai cũng mong tháng mới được an lành, may mắn nhưng có những người cả cuộc đời chỉ hằng mong cho mọi người. Đó là câu chuyện An đã đi và đã tận mắt chứng kiến: Nghĩa trang Đồng Nhi với 11 ngàn ngôi mộ bị bỏ rơi, 20 đứa trẻ được chăm sóc, 200 bà bầu được cưu mang và vị cha già trên núi Hòn Thơm Người cha già tên Phúc, cái tên như chính cuộc đời ông vậy.
Một cuộc đời đáng sống khiến Tường An nổi da gà ngay khi gặp ông. Giữa lưng chừng núi Hòn Thơm có một người cha nhọc nhằn mưu sinh lo cho cuộc sống của 20 đứa trẻ, cưu mang 200 phụ nữ mang bầu… Câu chuyện về nghĩa trang được đặt tên là Đồng Nhi với 11.000 ngôi mộ được người cha già thu gom hài nhi từ các bệnh viện mang về chôn cất khiến Tường An không dám tin. Các bé chủ yếu độ 3 tháng tuổi trong bụng mẹ…
Khi nhỏ cũng như bao đứa trẻ khác chắc hẳn đã có lần bạn hỏi cha mẹ “Con được sinh ra từ đâu?” Câu hỏi vừa ngây thơ, vừa đáng yêu đó đến bây giờ khi được đi được gặp người cha già ở ngọn núi Hòn Thơm – Nha Trang tôi mới thấm thía. Thương lắm, yêu lắm và đau lắm… có những mảnh đời mãi mãi không bao giờ được hỏi đấng sinh thành câu hỏi đó.
Gặp ông, tôi bỗng chốc nhớ đến hình ảnh “ cò mang em bé”. Thần thoại Ai Cập cho rằng cò chính là đại diện cho linh hồn của người Theba. Khi có một con cò bay về, tức là người ấy đang hồi sinh. Cò cũng chính là biểu tượng cho các giá trị và sự đoàn kết trong gia đình ở thần thoại Bắc Âu. Người cha già ở núi Hòn Thơm như một chú cò cần mẫn cưu mang 200 phụ nữ mang bầu vận động các cô gái không nên từ bỏ đứa con trong bụng và tình nguyện chăm lo nơi ăn chốn ở cho họ, ông chăm chút 20 đứa trẻ và bầu bạn cùng hơn 11 ngàn ngôi mộ hài nhi được ông thu gom và chôn cất.
Về nơi sự sống được hồi sinh Ngay khi tìm đến với núi Hòn Thơm, hỏi về ông Tống Phước Phúc, nhiều người dân Khánh Hòa biết tiếng, họ cảm phục họ trân trọng người đàn ông trung niên thường xuyên đi thu lượm thai nhi bị nạo bỏ tại các bệnh viện trong tỉnh. Tiếp xúc với ông một người thợ xây già dáng người dong dỏng, mái tóc pha sương, giọng nói nhanh nhẹn và đôi mắt sâu như muốn ôm trọn khổ đau cuộc đời.
Ông kể, năm 2001, trong một lần vào bệnh viện, tình cờ gặp thai nhi bị bỏ rơi bên gốc cây đa, xung quanh nhang khói nghi ngút nên ông mang về chôn cất. Nghĩ đến hoàn cảnh tội nghiệp của các sinh linh bé nhỏ, ông quyết tâm thực hiện ước nguyện làm việc thiện. Sau khi dành dụm được một khoản tiền nhỏ mua mảnh đất rộng trên núi Hòn Thơm (thành phố Nha Trang), từ tháng 7/2004, ông bắt đầu thu gom hài nhi từ các bệnh viện mang về chôn cất.
Tính đến nay, nghĩa trang được đặt tên là Đồng Nhi này đã có tới 11.000 ngôi mộ. Các bé chủ yếu độ 3 tháng tuổi trong bụng mẹ. Nghĩa trang được ông Phúc phân chia làm hai khu vực. Một khu vực là mộ do cha mẹ của hài nhi tự nguyện xây sau khi biết đứa con họ từ bỏ được ông Phúc đưa về. Phần lớn, họ không thể biết được chính xác đâu là con của mình nhưng vẫn lập mộ và chọn một hũ sành nào đó để chuyển sang vị trí mới. Khu vực còn lại là phần mộ của những đứa trẻ không rõ danh tính, được ông Phúc đặt theo tên các vị thánh như Macco, Matheu, Lucia…
Ban ngày, ông Phúc cần mẫn với công việc thợ xây để kiếm tiền nuôi gia đình; đêm đến, người đàn ông này lại đi khắp các bệnh viện xin xác thai nhi, trẻ chết yểu mang về chôn tại Hòn Thơm. Nhưng gần 20 năm qua, ông Tống Phước Phúc vẫn ngày ngày làm trọn công việc của mình, chăm sóc những đứa con thơ, bày biện phần mộ khang trang, sạch sẽ cho những đứa trẻ kém may mắn. Hàng ngày đi đi về về gần 50 cây số, cái bóng bé nhỏ, gầy còm cứ cần mẫn trên chiếc xe máy cà tàng dưới cái nắng như thiêu như đốt bởi ông biết ở một căn nhà nhỏ luôn có những đứa trẻ đang háo hức đợi cha về.
Ông Tống Phước Phúc không chỉ cưu mang những sinh linh bé nhỏ bị vứt bỏ mà còn giúp đỡ cả những bà mẹ trẻ lỡ lầm để những mầm sống mong manh có cơ hội được làm người. Mặc dù bận rộn mưu sinh nhưng chỉ cần nghe thông tin có cô gái mang thai vào bệnh viện “giải quyết” là ông Phúc và những người trong nhóm thiện nguyện đều xếp lại công việc để tới khuyên can. Từ người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ, cô học sinh trẻ người non dạ đến cô công nhân nghèo, tiếp viên ở cà phê và cả người bán vé số, người kiếm sống ngoài bãi rác…, những ai có ý định bỏ thai đều được ông ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về sống trong mái ấm, chăm lo chu đáo cho tới lúc khai hoa nở nhụy.
Ông Phúc cam kết: “Có sinh có dưỡng thì tốt; nếu vì hoàn cảnh phải bỏ con lại, chú Phúc nuôi luôn giùm. Khi nào có điều kiện quay về đây, chú sẽ cho nhận lại con”. Căn nhà với diện tích khiêm tốn 90m2, tài sản bao nhiêu năm vất vả gầy dựng, ông Phúc nhường hết chỗ cho các “mẹ bầu” và những đứa con của họ. Vợ chồng cùng hai đứa con phải về sống bên ngoại. Người đến rồi đi, có người ở lại giúp gia đình ông Phúc chăm lo cho các bé, có người được gia đình tha thứ đến nhận con về…
Những đứa trẻ còn ở lại đều được “ba” Phúc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Những cô gái đến nương náu ở Trung tâm Phước Phúc đều giấu thân phận. Mỗi cá nhân một hoàn cảnh, người thì lầm lỡ, kẻ bị gia đình chối bỏ, có trường hợp bị chồng đánh đập phải tha phương…
Những gì họ mong muốn chỉ là một chỗ ở an toàn đến khi con mình ra đời. Ông Phúc thuê một căn nhà gần trung tâm để họ ở chung và tiện sinh hoạt và tránh điều tiếng. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người một quê quán khác nhau nhưng cùng chung cảnh không nơi nương tựa vào thời điểm lẽ ra người phụ nữ phải được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất.
Căn nhà 3 tầng khang trang, sạch sẽ là chỗ ở của 20 em nhỏ. Đó là những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha mẹ. Có đứa ông Phúc phải rất vất vả tìm mọi cách để giành lấy sự sống khi người phụ nữ lầm lỡ quyết định phá bỏ cái thai. Có đứa mới sinh còn đỏ hỏn được đặt trước cửa nhà ông trong một ngày mưa xối xả, có đứa được sinh ra khi người mẹ mới chỉ 14 tuổi… Tất cả những đứa trẻ ấy đều gọi ông Phúc là “ba”, một người cha đã “nặn” ra cuộc đời thứ 2 cho chúng.
Giữa cái nắng gió, và giọt mồ hôi mặn nồng của người cha vất vả, An cùng các bạn của mình muốn góp một phần nhỏ bé, chỉ là những cuốn sách, dăm cái điều hoà hay đơn giản chỉ là một lời tâm sự động viên để những người cha như ông Phúc vững tin vào cuộc sống này. An mong muốn được nhận nuôi một cháu nhỏ, trao cho em một cuộc đời và vơi đi ghánh nặng cho cha Phúc. An muốn kêu gọi bạn bè, những người có tâm làm việc tử tế sẽ chung tay “ của ít lòng nhiều” để san sẻ sự vất vả cùng cha Phúc.
Mọi sự đồng hành, hảo tâm các bạn có thể liên hệ: Nhẹ như câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “ sống trong đời sống cần có một tấm lòng” chỉ để “ gió cuốn đi!”
Mọi sự giúp đỡ, san sẻ, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm xin gửi về: Trung Tâm Phước Phúc Địa chỉ: 56/3 đường Phương Sài - Phừơng Phương Sài - Thành phố Nha Trang - Khánh Hoà. Bác Tống Phước Phúc - Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nha Trang – 0061000673635.